Hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đang không tuyển đủ lao động cho các đơn hàng của đối tác.
Hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đang không tuyển đủ lao động cho các đơn hàng của đối tác.
Thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã đưa 33.435 lao động đi làm việc ở nước ngoài, chỉ đạt trên 30% kế hoạch năm, và giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chính khiến số lao động đưa đi giảm, theo đại diện nhiều doanh nghiệp, hoàn toàn không nằm ở phía các thị trường cắt giảm lao động, mà chính là ở chỗ không có... nguồn. Hay nói cách khác, nhiều lao động không “mặn mà” với việc “xuất ngoại”.
“Nếu ngày xưa, doanh nghiệp chỉ lo làm sao để kiếm được đơn hàng, hợp đồng từ các thị trường tiếp nhận, thì nay tạo nguồn trong nước mới thật sự là vấn đề”, ông Nguyễn Huy Tùng, cán bộ tạo nguồn của Công ty TTLC, nói.
Còn ông Nguyễn Xuân Vui, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ và Thương mại hàng không, một doanh nghiệp tên tuổi trong “làng” xuất khẩu lao động, chưa một lần kêu “bí nguồn”, cũng than rằng chưa bao giờ nguồn lao động xuất khẩu lại khó kiếm như thời điểm này.
Trong khi đó, trao đổi với VnEconomy, nhiều lao động cho biết, họ vẫn có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, điều khiến họ không “mặn mà” là vì họ sợ bị lừa.
“Tôi có cảm giác là có quá nhiều các doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp và các trung tâm về địa phương tuyển nguồn, nên chúng tôi đang bị “loạn” thông tin về lĩnh vực này và không biết nghe ai, tin ai”, một lao động nói.
Anh Nguyễn Văn Nam, một người dân ở Vĩnh Lộc (Thanh Hóa), cho biết anh rất muốn đi làm việc tại Đài Loan nhưng không biết liên hệ ở công ty nào cho tin tưởng. Nhiều doanh nghiệp về địa phương anh "tạo nguồn" đưa ra các thông tin không giống nhau về thị trường này, đặc biệt là mức phí mà lao động phải bỏ ra.
Cũng theo phản ánh của người lao động tại nhiều địa phương, số doanh nghiệp đăng ký tạo nguồn ở địa phương đang lớn hơn rất nhiều số huyện thị của địa phương đó.
Tại Thanh Hóa, theo một nguồn tin của VnEconomy, tỉnh này đang có khoảng 200 trung tâm, chi nhánh, văn phòng đại diện tạo nguồn xuất khẩu lao động xuất khẩu tại 27 huyện thị.
Trao đổi với VnEconomy, mặc dù không thừa nhận số lượng doanh nghiệp tạo nguồn “khổng lồ” nói trên, song cán bộ phụ trách vấn đề này của sở lao động thương binh và xã hội tại địa phương này cũng không nắm được con số cụ thể về các chi nhánh doanh nghiệp, các trung tâm đang tạo nguồn tại đây.
“Con số bao nhiêu thì chúng tôi còn phải kiểm tra, thống kê lại”, cán bộ này cho biết.
Theo ông Phạm Ngọc Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hợp tác lao động nước ngoài (Lod), cho phép quá nhiều chi nhánh doanh nghiệp, các trung tâm khai thác nguồn sẽ dễ nảy sinh những tiêu cực như cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, tạo cơ hội cho “cò” xuất khẩu lao động hoành hành.
Ông Dũng đưa ra dẫn chứng, nhiều lao động sau khi vào học tập tại công ty ông cho biết, rất nhiều cá nhân đã “núp bóng” Lod để tuyển lao động với chi phí cao hơn rất nhiều chi phí mà công ty quy định.
Về phía cơ quan quản lý, đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước cho rằng, việc cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, rõ ràng, tạo niềm tin cho lao động là trách nhiệm của doanh nghiệp và chính quyền cơ sở.
Ngoài ra, các doanh nghiệp được cấp phép trong lĩnh vực này cũng cần thực hiện nghiêm túc luật đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, phải tạo nguồn trực tiếp, không qua trung gian.
Cục cũng đưa ra khuyến cáo với lao động, nên liên hệ và đăng ký trực tiếp với các doanh nghiệp có uy tín. Nếu có thắc mắc, hãy gọi đến đường dây nóng (số 84-4-3734 6246, máy lẻ 305, 306, 507, 508) của Cục, người lao động sẽ được giải đáp.
Nguồn tin: XKLĐ.vn