Hôm nay, 10-12, thực hiện đề án hỗ trợ huyện nghèo (Đề án 71) đẩy mạnh xuất khẩu lao động (XKLĐ), Công ty CP Thương mại Châu Hưng sẽ tổ chức lễ tiễn 58 lao động, chủ yếu người dân tộc thiểu số ở các huyện nghèo thuộc 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị sang Malaysia làm việc trong các lĩnh vực sản xuất dây cáp điện, gạch men và cơ khí với thu nhập bình quân từ 4,5 triệu đồng đến 5 triệu đồng/người/tháng.
Lao động nghèo do Công ty Châu Hưng tuyển chọn,
chuẩn bị hành lý xuất cảnh sang làm việc ở Malaysia. Ảnh: C.T.V
Kết quả bước đầu
Theo Bộ LĐ-TB-XH, đề án đã được triển khai tại 10 tỉnh: Thanh Hóa, Yên Bái, Quảng Ngãi, Phú Thọ, Quảng Bình, Quảng Trị, Bắc Giang, Điện Biên, Quảng Nam và Bắc Kạn, với 17 doanh nghiệp XKLĐ tham gia. Sau 6 tháng triển khai, đã có khoảng 2.800 lao động nghèo đăng ký đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó, có 2.200 người đang được tập trung đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết trước khi đi và gần 700 người đã xuất cảnh sang làm việc ở Malaysia, Libya, UAE, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Riêng Châu Hưng, đến nay, đã đưa được trên 200 lao động nghèo sang Malaysia và hiện đang tập trung đào tạo 100 lao động khác, hầu hết là người dân tộc thiểu số như H’Rê, Bana...
Bà Hoàng Kim Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho biết: Trong phạm vi đề án, thu nhập của người lao động (NLĐ) sau khi ra nước ngoài cao hơn gấp 10 – 15 lần so với ở trong nước. Còn theo ông Tống Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Châu Hưng, sau 3 năm làm việc ở Malaysia, NLĐ có thể tích lũy được khoảng hơn 100 triệu đồng. Đây là khoản tiền lớn để họ có thể mua xe gắn máy, sửa sang nhà cửa, làm vốn kinh doanh. Cái lợi khác là NLĐ sẽ học được một nghề để sau này trở về nước, dễ dàng vào các nhà máy, xí nghiệp làm việc.
Không phải “dễ ăn”
Đề án 71 là chính sách lớn của Nhà nước, có ý nghĩa xã hội to lớn trong việc giảm nghèo bằng con đường XKLĐ. Những hợp đồng đưa lao động nghèo ra nước ngoài được Cục Quản lý lao động ngoài nước thẩm định đều là những hợp đồng tốt, bảo đảm việc làm, thu nhập, hạn chế thấp nhất rủi ro cho NLĐ.
Lợi ích từ XKLĐ là rất lớn nhưng vì nhiều lý do, người dân ở các huyện nghèo vẫn chưa hiểu rõ. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng rất nhiều NLĐ bỏ ý định đi XKLĐ giữa chừng. Hầu hết các doanh nghiệp tham gia Đề án 71 đều “đau đầu” vì tình trạng lao động sau khi được tuyển chọn, tập trung đào tạo và làm thủ tục đã từ chối ra nước ngoài ở mức cao. Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH, tỉ lệ này chiếm khoảng 20%.
“Chúng tôi phải vào tận thôn bản để vận động tuyên truyền, giúp dân nghèo hiểu rõ lợi ích của XKLĐ. Vận động dữ lắm mới có người đăng ký. Nhưng rồi đang học thì có người bỏ về. Thậm chí có người đã có visa chờ ngày xuất cảnh cũng... khăn gói về làng”- ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nhân lực và Thương mại (Vinaconex Mec), tâm sự.
Nhưng với quyết tâm, Vinaconex Mec đã gặt hái được những kết quả tích cực. Đến nay, công ty đã đưa được 57 lao động ở tỉnh Yên Bái và Bắc Kạn sang Libya làm việc. Gần 100 người khác đang tập trung học nghề, ngoại ngữ và chờ xuất cảnh. Phần đông những người được Vinaconex Mec tuyển chọn là người dân tộc thiểu số, trong đó 90% là người H’Mông, còn lại là người Thái, Dao, Tày... “Trong hai ngày 11 và 12-12, công ty sẽ tổ chức lễ phát lương cho gia đình của 10 lao động xuất cảnh đợt đầu sang Libya vào cuối tháng 8-2009.
Tiền lương hai tháng 9 và 10-2009 của những lao động này đạt từ 780 USD đến 900 USD/người (trên 14 triệu đồng đến gần 17 triệu đồng).
Không nên phó mặc cho doanh nghiệp
Tại buổi làm việc cuối tuần qua, Ban Chỉ đạo Đề án 71 (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Đó là một số địa phương chưa thực sự vào cuộc, còn phó mặc cho doanh nghiệp, không tiếp tục triển khai vận động, tuyên truyền đến cấp thôn, xã, dẫn đến việc người dân thiếu thông tin về chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Việc hỗ trợ người dân làm chứng minh nhân dân, thủ tục để kịp thời điểm xuất cảnh cũng chưa tốt, thủ tục hỗ trợ NLĐ vay vốn còn rất phức tạp... Các ý kiến thống nhất Đề án 71 là chính sách lớn của Nhà nước nên chính quyền địa phương và doanh nghiệp cần phối hợp, sâu sát hơn nữa trong vận động, tuyên truyền và tuyển chọn. Chỉ có tuyên truyền theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, giúp dân ở các huyện nghèo thấy được bằng người thật việc thật thì mới thành công.