CÔNG TY CỔ PHẦN PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP

XÂY LẮP VÀ THƯƠNG MẠI HÀ TĨNH

HATINH INDUSTRIAL DEVELOPMENT - CONSTRUCTION TRADING JOINT STOCK COMPANY

06-12-2014 - 07:37

Xuất khẩu lao động: Hồi phục thị trường Malaysia

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam cho biết, thị trường Malaysia đang hồi phục mạnh sau khủng hoảng kinh tế.

Đơn hàng nhiều

Theo Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Malaysia, sau thông báo ngừng tiếp nhận lao động nước ngoài từ đầu năm do khủng hoảng, kinh tế nước này đang phục hồi mạnh, nhiều nhà máy, xí nghiệp đi vào hoạt động bình thường, nhu cầu tiếp nhận lao động nhập cư cũng đã tăng trở lại từ cuối tháng 6.

Số liệu thống kê của cơ quan này cho biết, nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài đang gia tăng ở hầu hết các ngành nghề tại Malaysia. Hiện có khoảng 28.000 chỗ làm đang chờ lực lượng lao động nước ngoài.

Trao đổi với VnEconomy, đại diện một số doanh nghiệp tỏ ra lạc quan khi nói về thị trường “vàng” một thời của xuất khẩu lao động Việt Nam. Các doanh nghiệp cho biết gần đây  họ ký được rất nhiều đơn hàng tuyển dụng lên đến hàng trăm công nhân từ Malaysia.

Ông Nguyễn Quốc Hán, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Vĩnh Cát cho biết, công ty ông đang có nhu cầu tuyển hơn 100 lao động sang Malaysia làm ở nhà máy điện tử, thu nhập bình quân từ 700-1000 Ringit/tháng, tương đương khoảng 4 triệu đồng/tháng. Ngoài ra còn có một số đơn hàng xây dựng, chế tạo....

Theo ông Nguyễn Xuân An, Tổng thư ký Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam, với tình hình khó khăn chung trên toàn thế giới, đặc biệt là thực trạng thiếu việc làm, mức thu nhập nói trên là tạm ổn.

Phải thay đổi cách nhìn

Mặc dù nhiều thị trường Malaysia có dấu hiệu phục hồi, đơn hàng nhiều nhưng vấn đề tuyển dụng, tạo nguồn rất khó khăn. “Chúng tôi có đơn hàng tốt nhưng không tuyển đựơc lao động”, giám đốc một doanh nghiệp than  thở.

Nguyên nhân khiến lao động không muốn sang Malaysia vào thời điểm này theo các chuyên gia, ngoài mức thu nhập thấp, chủ yếu lao động vẫn sợ rủi ro sang đó không có việc làm phải về nước trước hạn.

Vì thế, các chuyên gia cho rằng cách tốt nhất để khôi phục lại thị trường là các doanh nghiệp đưa lao động sang Malaysia cần phải đảm bảo nghiêm túc các quy trình thủ tục, trong đó lưu ý việc khảo sát, kiểm tra tại nhà máy, nơi làm việc trước khi đưa lao động sang, tránh những ngành nghề dễ bị rủi ro; đồng thời tăng cường khả năng ngoại ngữ, thái độ và tâm lý làm việc cho người lao động.

Ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho rằng, đã đến lúc người lao động cần thay đổi cách nhìn, phải xác định rõ rằng đi xuất khẩu lao động trước hết là để kiếm việc làm và có thu nhập ổn định, chứ không nhất thiết phải nuôi mộng đi là để làm giàu.

Đối với doanh nghiệp, ông Hải cũng chia sẻ những khó khăn trong vấn đề tạo nguồn. Ông cho biết, trong thời gian tới, Cục sẽ phối hợp với doanh nghiệp về các địa phương để làm việc với các ban chỉ đạo xuất khẩu lao động địa phương để tăng cường thông tin, niềm tin tới người lao động.

Tuy nhiên, "các doanh nghiệp đưa lao động sang thị trường Malaysia cần tăng cường trách nhiệm với người lao động, duy trì người đại diện tại nước sở tại, không nên uỷ quyền cho môi giới lao động giải quyết những phát sinh", ông Hải nói.

. . . . .